Thể chế mới Lykourgos (Sparta)

Lykourgos được ghi nhận với sự hình thành của nhiều thể chế Sparta không thể thiếu cho sự gia tăng quyền lực của đất nước, nhưng quan trọng hơn là lòng trung thành toàn vẹn và không thể chia rẽ từ các công dân Sparta, được thực hiện dưới hình thức chính phủ của ông. Ngoài ra, Lykourgos được cho là người tạo ra "Homoioi," hay sự "Bình đẳng" ở Sparta, những công dân không có sự khác biệt về mức độ giàu có trong số họ, một ví dụ đầu tiên về thuyết phân phối, vốn là mối bận tâm hàng đầu của dân chúng (không phải là helot). Lối sống cấp tiến này đã phân biệt người Sparta một lần nữa với những người Hy Lạp khác trong thời đại của họ.

Thiết lập Viện Nguyên lão

Cải cách đầu tiên của Lykourgos là việc lập ra Viện Nguyên lão (Gerousia) gồm 28 người, có quyền lực ngang với hai hoàng tộc Sparta. Dân chúng có quyền bỏ phiếu về những vấn đề quan trọng, nhưng Viện Nguyên lão sẽ quyết định khi nào thì tiến hành bỏ phiếu. Như Plutarchus nhận xét, Viện Nguyên lão "làm dịu bớt và hạn chế tính nóng nảy và hung hăng của hai nhà vua", mang lại sự ổn định và an toàn cho cộng đồng, như những hầm balast của con thuyền. Trước đó, Sparta thường dao động giữa hai thái cực: giữa dân chủ quá trớn và chính sách chuyên quyền, giữa tình trạng vô chính phủ và chế độ độc tài. Với việc thiết lập Viện Nguyên lão, cả hai thái cực này được hạn chế, chính quyền trở nên ổn định, dân chúng và những nhà lãnh đạo đều tôn trọng nhau.[8]

Để được bầu chọn vào Viện Nguyên lão, đàn ông phải trên 60 tuổi. Những vị Nguyên lão này có nhiệm kỳ suốt đời. Ngoài ra, còn có một hội đồng gồm 300 người đại diện, hàng năm bầu chọn một ủy ban gồm 5 giám quan để điều hành các hoạt động của hội đồng nhà vua. Nhiệm kỳ của các giám quan này chỉ là 1 năm và họ không được bầu lại.[8]

Cải cách ruộng đất

Sau khi lập Viện Nguyên lão, Lykourgos liền đưa ra vấn đề quyền sở hữu ruộng đất. Vào thời gian này, có sự bất bình đẳng rất lớn giữa những người Sparta. Hầu hết của cải và ruộng đất tập trung trong tay một số ít người còn đa số dân chúng sống nghèo khổ và bất hạnh. Kiêu ngạo và ganh tị, xa hoa và tội ác có ở khắp nơi vì sự phân phối bất bình đẳng này. Lykourgos tiến hành chia lại ruộng đất bình đẳng cho tất cả mọi người, vì thế phẩm giá chứ không phải tiền bạc trở thành thước đo duy nhất địa vị con người.[15]

Để trợ giúp cho sự phân chia đất đai mới mẻ này, Lykourgos đã chia đất nước xung quanh Laconia thành 30.000 phần bằng nhau, và một phần gắn liền với thành phố Sparta nói riêng lên tới 9.000; tất cả các phần còn lại đều được phân phối cho tất cả mọi người dân Sparta. Helot (cư dân các vùng lãnh thổ mà người Sparta đã chiếm được trong các cuộc chiến của họ ở Laconia) bị gắn chặt với đất đai, không thuộc quyền sở hữu cá nhân; do đó, tất cả nô lệ đều là tài sản của nhà nước và bị các ông chủ Sparta bóc lột không thương tiếc.

Thay đổi tiền tệ

Lykourgos và hai con chó, tranh khắc gỗ của Otto van Veen, Emblemata Horatiana, 1607

Lykourgos dự định xóa bỏ mọi sự bất bình đẳng về tài sản cũng như địa vị, nhưng ông nhận thấy nếu công khai tiến hành việc này thì quá khó khăn. Đó là lý do vì sao ông phải thi hành một biện pháp gián tiếp. Giải pháp của ông là ngăn cấm việc sở hữu vàng bạc và chỉ cho phép lưu hành các đồng tiền được làm bằng sắt gọi là pelanor.[16][17] Cho dù Lykourgos có thực là đã tạo ra loại tiền sắt này hay không thì vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong giới nghiên cứu. Các học giả hiện đại nghĩ rằng những đồng tiền xu đóng dấu đầu tiên được đúc khoảng năm 650–600 TCN,[18] trong khi Lykourgos lại được cho là sống khoảng năm 800 TCN. Những đồng tiền bằng sắt này của Sparta được ngâm trong giấm trở nên giòn và vô giá trị. Những nhà buôn chê loại tiền này vì nó chẳng có giá trị gì, lại cồng kềnh và khó vận chuyển nên việc nhập khẩu những hàng hóa xa xỉ buộc phải chấm dứt.[15] Ngay lập tức, nạn cướp bóc và hối lộ cũng biến mất khỏi Sparta. Mọi nghề nghiệp vô ích bị cấm đoán ở Sparta. Rồi mọi tội lỗi thường xuất hiện kèm theo cũng biến mất. Chẳng ai còn cần đến những mưu gian, thầy bói, gái mại dâm, đồ kim hoàn hay việc buôn bán những hàng hóa xa xỉ trong một đất nước chẳng có vàng hay tiền bạc. Như vậy, những đồ xa xỉ dần dần cạn kiệt rồi biến mất hẳn. Người giàu không có ưu thế gì so với người nghèo vì của cải chẳng có ý nghĩa gì.[8]

Ngay khi vàng bạc bị cấm đoán ở Sparta, những vụ kiện tụng cũng biến mất. Sự bình đẳng và tinh thần tự lập thay thế cho lòng tham lam và sự nghèo đói. Họ bình đẳng bởi tất cả mọi người đều sống trong những ngôi nhà đơn sơ và cùng ăn tại những bàn ăn công cộng, còn tinh thần tự lập có được bởi nhu cầu của họ rất đơn giản. Người Sparta dành thời gian cho âm nhạc, nhảy múa, săn bắn, luyện tập võ nghệ hay tới những nơi công cộng chuyện trò. Vì lao động đã do nhưng helot đảm nhận nên người Sparta có rất nhiều thời gian nhàn rỗi. Luật pháp ngăn cấm những nghề "vô tích sự" nên chẳng ai bận tâm tới việc buôn bán. Trong một quốc gia, chẳng có ai coi trọng sự giàu có, chỉ có cách tiêu khiển là giết thời gian. Thậm chí, những người dưới 30 tuổi còn không được phép tới chợ, và người già đến đây quá thường xuyên thì cũng bị khinh thường.[8]

Nhà ăn tập thể

Trong luật pháp của Lykourgos, biện pháp hiệu quả nhất chống lại lòng tham tiền là dân chúng đều phải ăn chung tại nhà ăn tập thể gọi là sussita hay syssitia.[19] Mọi người đều ăn những thứ như nhau, vì thế tiền chẳng thể mua được thức ăn ngon lành. Và vì người giàu không được ăn ở nhà nên chẳng có cách nào cho họ tiêu xài và phô trương của cải. Những người giàu cũng không muốn sống ở nhà nữa. Họ nằm dài trên giường, sống buồn tẻ như lợn được vỗ béo sắp bị giết thịt. Không chỉ trí tuệ mà cả cơ thể của họ cũng bị suy nhược vì sự nuông chiều và lười biếng. Họ chỉ muốn ngủ thật lâu, tắm nước ấm và suốt ngày chăm sóc cơ thể như thể họ bị ốm vậy.[8]

Nhà ăn công cộng được chia thành những bàn ăn cho mười lăm người. Hàng tháng, mỗi người có nghĩa vụ phải mang đến một lượng thức ăn và rượu nho nhất định. Người Sparta đưa bọn trẻ tới đây như tới ngôi trường để học sự khôn ngoan. Tại đây, bọn trẻ được nghe người lớn bàn luận về những vấn đề của đất nước. Chúng sẽ học cách ăn nói tao nhã và mạch lạc. Điều đặc biệt quan trọng là học nói và lắng nghe những câu chuyện hài hước. Để đảm bảo tính chân thật, mỗi khi có người đi vào, người cao tuổi nhất trong nhóm sẽ chỉ tay vào cánh cửa và nói: "Không có lời nào thoát ra khỏi đây". Mỗi khi có người muốn tham gia nhóm, các thành viên sẽ tiến hành bỏ phiếu một cách bí mật. Mỗi người sẽ ném một cục bột nhào vào một cái bát, biểu hiện sự phản đối bằng việc đập bẹt cục bột. Nếu trong bát chỉ cần một cục bột bị đập bẹt thì coi như người muốn tham gia đã bị từ chối.[8]

Khi bất kỳ thành viên nào cúng tế riêng cho các vị thần sẽ gửi một số phần vào syssitia, và khi bất kỳ thành viên nào đi săn thì sẽ gửi một phần của con vật mà mình giết được, đem chia sẻ với những người bạn thân. Việc cúng tế và săn bắn là lý do duy nhất cho phép một người đàn ông biện minh cho việc ăn uống tại nhà riêng của mình, thay vì tới nhà ăn tập thể (syssitia): nếu không, người đàn ông ​​sẽ phải tới ăn hàng ngày với đồng đội của họ. Ngay cả các vị vua dường như cũng trông mong tham gia vào nhà ăn tập thể, và không ăn riêng ở nhà với vợ của họ. Phụ nữ Sparta thì ăn uống cùng nhau và dành phần lớn thời gian của họ với người khác, mà không phải là chồng hoặc con trai lớn hơn bảy tuổi của mình.

Giáo dục trẻ em

Lykourgos cho rằng công việc quan trọng nhất của bất kỳ nhà lập pháp nào đều là phải biết cách dạy dỗ lớp thanh niên. Phải bắt đầu ngay từ việc giáo dục những cuộc hôn nhân để sinh ra những đứa trẻ thông minh và khỏe mạnh. Phương pháp này gọi là agoge, bắt đầu từ khi lên 7 tuổi, trẻ em Sparta phải rời nhà tới sống trong những trại huấn luyện nghiêm khắc. Những đứa bé có tài năng và lòng cam đảm nhất được các bô lão cho làm chỉ huy, có quyền sai khiến và trừng phạt những đứa khác nếu chúng không vâng lời.[20]

Bọn trẻ chủ yếu học cách chỉ huy và tuân lệnh. Những đứa bé Sparta được học đủ để biết đọc, biết viết, nhưng điều quan trọng hơn là chúng phải học cách chịu đựng đau đớn và giành chiến thắng trong trận đánh. Người già theo dõi, kiểm soát sát sao và thường thử thách chúng để tìm ra những đứa có khả năng trở thành các chiến binh thự sự. Đến tuổi 12, chúng bắt đầu được học quân sự. Những đứa trẻ được xếp vào các toán chiến binh, do một iren (chàng trai 20 tuổi) sai khiến. Trong trận đánh, iren này là người chỉ huy; còn ở nhà, họ là người thầy giám sát những đứa trẻ. Chúng sống trong các trường học nghiêm khắc này cho đến khi đủ 18 tuổi thì được công nhận là những người đàn ông thực sự.[8]

Các biện pháp khác

Lykourgos muốn pháp luật của mình được dân chúng tôn trọng như những lời tiên tri của ngôi đền Delphi. Người Sparta gọi những đạo luật của ông là rhetra. Một rhetra được ban hành có nghĩa là bộ luật đó không bao giờ cần được viết ra vì chúng ăn sâu vào tâm trí những người dân Sparta thông qua giáo dục, và nếu đượ giáo dục tốt thì chẳng cần đến pháp luật. Những quan tòa khôn ngoan luôn luôn bảo vệ sự trong sạch và công bằng của pháp luật.[8]

Đối với việc buôn bán Lykourgos không muốn quy định các điều khoản cụ thể vì ông muốn để cho các vị quan tòa khôn ngoan tự phán xử hơn là áp đặt những quy định cứng nhắc dựa trên những điều được viết ra. Bằng cách này, luật pháp sẽ tự thích nghi với những thay đổi của hoàn cảnh. Một rhetra khác, lúc đầu có vẻ kỳ quái nhưng khi xem xét kỹ thì lại là một điều luật khôn ngoan. Đó là quy định chỉ dùng rìu để làm trần nhà ở Sparta, và chỉ dùng cưa để làm những cánh cửa. Những tấm gỗ thô ráp đó làm cho những đồ đạc xa hoa và bóng bẩy trở nên lạc lõng. Lykourgos biết rằng dân chúng sẽ làm giường và những đồ đạc khác sao cho phù hợp với sự mộc mạc này, và mọi đồ dùng khác trong gia đình cũng sẽ hòa đồng theo.[8]

Lykourgos cũng cấm đoán dân chúng đi chơi ở các thành bang khác hay người nước ngoài đến thăm Sparta vì ông sợ rằng những ý tưởng ngoại lai và các hàng hóa xa xỉ sẽ trở thành nạn dịch và các cư dân sẽ tiêm nhiễm những thói hư tật xấu. Lykourgos dạy những công dân của ông không sống cô lập và cũng không muốn sống cô lập. Không ai được phép theo những khát vọng của chính mình. Thành phố giống như một trại lính và ai cũng có nhiệm vụ của mình. Lòng nhiệt thành và khao khát cống hiến cho cộng đồng làm cho việc ganh đua vào các chức vụ trong chính quyền trở nên trong sáng và lành mạnh.[8]

Lykourgos ban hành pháp luật quy định rằng người Sparta không được tiến hành chiến tranh thường xuyên hoặc kéo dài với cùng mộ kẻ thù, sợ rằng họ sẽ học được mưu mẹo của người Sparta. Sau này vua Agesilaos II đã vi phạm quy định này của Lykourgos khi liên tục gây chiến chống người Thebes nên cuối cùng bị thảm bại.[8] Lykourgos thực sự không muốn Sparta xâm chiếm và cai trị những thành phố khác. Ông quan niệm rằng hạnh phúc của một dân tộc, cũng giống như hạnh phúc của một con người, cốt ở việc thể hiện đạo đức và sự khôn ngoan chứ không phải sức mạnh hay của cải.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lykourgos (Sparta) http://encyclopedia-of-money.blogspot.com/2013/01/... http://www.theoi.com/Text/Pausanias3A.html http://www.theoi.com/Text/Pausanias3B.html http://classics.mit.edu/Plutarch/lycurgus.html http://classics.mit.edu/index.html http://penelope.uchicago.edu/Thayer/E/Roman/Texts/... http://www.aoc.gov/cc/art/lawgivers/lycurgus.cfm http://rg.ancients.info/lion/article.html https://stacitiesbaad.files.wordpress.com/2012/05/... https://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut...